Từ cậu bé nổi loạn đến đế chế thời trang của Pháp: Câu chuyện của Jean-Paul Gaultier
Không bị giới hạn bởi những quy chuẩn truyền thống, Jean-Paul Gaultier đã thổi vào làng thời trang một luồng gió mới đầy táo bạo. Dù không học qua trường lớp nhưng điều đó không ngăn cản ông mà còn thúc đẩy sự sáng tạo vô hạn của ông. Với quan điểm rằng thời trang là một sân khấu để thể hiện cá nhân và nghệ thuật, Gaultier đã tạo nên những thiết kế vượt thời gian, phá vỡ ranh giới giữa sàn diễn cao cấp và cuộc sống thường nhật.
Giấc mơ thời trang bắt đầu từ đâu?
Sinh ra và lớn lên tại vùng ngoại ô Paris, Jean-Paul Gaultier đã sớm bộc lộ một tâm hồn nhạy cảm và niềm đam mê mãnh liệt với thời trang. Khi mới 7 tuổi, cậu bé đã không ngần ngại bày tỏ với bố mẹ mong muốn sở hữu một con búp bê xinh đẹp. Dù chỉ nhận được một chú gấu teddy, cậu bé vui vẻ đặt tên nó là Nana và biến nó thành “người mẫu” đầu tiên cho thiết kế sơ khai của chiếc áo ngực hình nón (conical bra) trứ danh sau này.
Những màn trình diễn đầy mê hoặc của các vũ công Folies Bergère trên màn ảnh nhỏ đã gieo vào tâm hồn 9 tuổi hạt giống phong cách độc đáo, kết hợp giữa sự gợi cảm và tính nghệ thuật. Đến tuổi 13, cậu đã tự tay thiết kế trang phục cho bà và mẹ – hai người phụ nữ đã nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật may vá trong lòng cậu.
Khả năng phác họa xuất sắc của Jean-Paul đã bộc lộ rõ nét từ khi còn đi học. Dù thường bị bạn bè chế giễu và giáo viên khiển trách vì những ý tưởng sáng tạo, cậu bé không hề nản lòng trước định kiến về việc nam giới làm thời trang là ẻo lả. Ngược lại, cậu càng quyết tâm theo đuổi đam mê của mình.
Được nuôi dưỡng trong vòng tay yêu thương của những người phụ nữ, Jean-Paul Gaultier đã phát triển một cái nhìn sâu sắc về vẻ đẹp của phái nữ. Thay vì chơi bóng cùng bạn bè, cậu bé Gaultier thích thú dành thời gian ngắm nhìn cuộc sống của những người thân yêu, từ đó nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ và khát khao sáng tạo trong từng thiết kế.
Trong một buổi phỏng vấn với tạp chí Brut America, Jean-Paul đã tiết lộ rằng động lực lớn nhất của ông trong sự nghiệp là thúc đẩy bình đẳng giới qua thời trang. Những ký ức tuổi thơ và bối cảnh xã hội thời bấy giờ đã giúp ông nhận thức rõ ràng sự bất công khi phụ nữ luôn bị coi là yếu thế và phải phục tùng nam giới.
Ông khao khát phá vỡ những chuẩn mực truyền thống về giới tính trong thời trang. Những thiết kế của ông thường kết hợp hài hòa giữa yếu tố nam tính và nữ tính, tạo nên phong cách thời trang độc đáo và đầy cá tính. Ông không ngại thử nghiệm những ý tưởng táo bạo, chẳng hạn như cho đàn ông mặc váy và phụ nữ mặc vest, nhằm thách thức các quan niệm cố hữu về giới.
Với niềm tin rằng thời trang là một ngôn ngữ phổ quát, có khả năng vượt qua mọi rào cản về giới tính và văn hóa, ông đã biến thời trang thành một công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy sự bình đẳng và tự do thể hiện bản thân. Chính những tư tưởng táo bạo và tinh thần cách tân không ngừng nghỉ ấy đã làm nên tên tuổi của ông, một biểu tượng trong làng thời trang toàn cầu.
Khi thời trang trở thành một ngành công nghiệp tỷ đô
Jean-Paul Gaultier, một trong những biểu tượng nổi loạn đầy sáng tạo của làng thời trang Pháp, đã trải qua hành trình học hỏi không ngừng từ thực tiễn để đạt được vị trí đỉnh cao. Khởi đầu sự nghiệp từ việc học việc tại Pierre Cardin, ông còn làm freelancer cho nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, tự kinh doanh, và đảm nhận vai trò Giám đốc Sáng tạo tại những nhà mốt danh tiếng như Hermès và thương hiệu Diet Coke.
Yves Saint Laurent là nguồn cảm hứng bất tận đối với Jean-Paul Gaultier. Mặc dù không qua trường lớp bài bản, ông đã học hỏi và phát triển từ những tác phẩm của bậc thầy YSL. Đặc biệt, ở tuổi 18, dù không có thành tích học thuật cao hay kinh nghiệm dày dặn, ông đã được Pierre Cardin nhìn nhận và trao cơ hội thể hiện mình. Từ đó, một chương mới đầy hứa hẹn trong sự nghiệp của ông đã được mở ra.
Ngay từ những ngày đầu, Jean-Paul đã muốn chứng minh rằng vẻ đẹp có nhiều khía cạnh và có thể tìm thấy ở những nơi ít ngờ tới nhất. Ông biến những chiếc hộp thiếc bình thường thành vòng đeo tay và sau này là bao bì cho dòng nước hoa vô cùng thành công của mình.
Năm 1984, ông ra mắt dòng thời trang nam đầu tiên với bộ sưu tập “Male Object”, mang đến khái niệm bình đẳng giới, thể hiện những khía cạnh nữ tính trong đàn ông. Những thiết kế này không chỉ phá vỡ các chuẩn mực truyền thống mà còn khẳng định tư tưởng tiên phong của Gaultier trong việc xóa nhòa ranh giới giới tính qua thời trang.
Năm 1990, sau khi Francis Menuge, người bạn đồng hành thân thiết của Jean-Paul Gaultier qua đời, Madonna đã sát cánh cùng ông, khoác lên mình những thiết kế độc quyền mà ông tạo ra cho tour diễn “Blond Ambition Tour”. Trước đó, thời trang thường chỉ được nhìn nhận qua lăng kính của những bộ quần áo thông thường, nhưng ông đã mang đến một làn gió mới với chiếc áo ngực hình nón (conical bra) mang tính biểu tượng. Thiết kế này không chỉ tái định nghĩa thời trang mà còn cách mạng hóa tư duy sáng tạo trong ngành công nghiệp này.
Sự kết hợp độc đáo giữa phong cách âm nhạc của Madonna và thời trang của Gaultier đã tạo nên một “cú địa chấn” trong văn hóa pop, khẳng định vai trò quan trọng của nhà thiết kế thời trang trong việc xây dựng hình ảnh các ngôi sao và tạo nên những biểu tượng truyền thông. Những điều này đã vượt qua mọi chuẩn mực thời trang từ những năm 40.
Trong suốt sự nghiệp, ông đã ghi dấu ấn trong nhiều lĩnh vực như khiêu vũ, âm nhạc và điện ảnh. Ông đã thiết kế những bộ trang phục ấn tượng cho phim “The Fifth Element” của Luc Besson với phong cách retro-futuristic. Ở tuổi 45, ông đã tạo nên những bộ cánh này và mười năm sau, ông thiết kế trang phục mà Marion Cotillard diện khi nhận giải Oscar. Năm 60 tuổi, Gaultier trở thành nhà thiết kế thời trang đầu tiên làm thành viên của hội đồng giám khảo tại Liên hoan phim Cannes.
Không chỉ dừng lại ở thời trang, ông còn dành đam mê cho nước hoa. Ở tuổi 41, ông ra mắt dòng nước hoa nữ đầu tiên với thiết kế hình corset và hợp tác với nhiều thương hiệu khác như Target để tung ra dòng trang phục giá rẻ và sản phẩm trang điểm cho nam giới. Ông cũng đảm nhận vai trò Giám đốc sáng tạo cho Hermès từ năm 2004 đến 2011, và sau đó bán 45% cổ phần của thương hiệu Jean-Paul Gaultier cho Hermès.
Gaultier không chỉ là một nhà thiết kế tài năng mà còn là người tiên phong trong việc phá vỡ các giới hạn của thời trang, tạo nên những xu hướng và biểu tượng vượt thời gian.
Khi thời trang trở thành một tác phẩm nghệ thuật sống động
Jean-Paul không chỉ nổi tiếng với những thiết kế thời trang mang tính biểu tượng mà còn sở hữu một sự nghiệp đa dạng và đầy màu sắc trong nhiều lĩnh vực. Ông từng là đồng dẫn chương trình của TV show “Eurotrash” cùng với Antoine de Caunes trong suốt bốn năm, thể hiện sự sáng tạo vượt ra ngoài những khuôn khổ thông thường.
Khi bước vào tuổi 66, ông đã tạo nên một cột mốc mới trong sự nghiệp của mình bằng cách sáng tạo vở diễn musical mang tên “Jean-Paul Gaultier Fashion Freak Show” tại Folies Bergère. Lấy cảm hứng từ chính cuộc đời và sự nghiệp của mình, vở diễn này không chỉ là một show thời trang thông thường mà là một bữa tiệc thị giác và âm thanh độc đáo. Kết hợp hài hòa giữa vũ điệu, âm nhạc và thời trang, “Fashion Freak Show” đã mang đến một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ cho khán giả. Sau khi ra mắt lần đầu tại Paris vào năm 2019 và sau đó được tái hiện tại London, vở diễn đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng văn hóa.
Vở diễn này quy tụ các diễn viên, vũ công và nghệ sĩ xiếc, những người hóa thân thành những nhân vật sống động, đam mê và đầy phong cách. Sự kiện còn có sự tham gia của các ngôi sao khách mời đặc biệt, bao gồm những người bạn và người ủng hộ lâu năm của Gaultier. Rossy de Palma vào vai cô giáo khắc nghiệt trong thời thơ ấu của ông, trong khi Catherine Deneuve đọc tên những tác phẩm vĩ đại của ông từ những năm 90.
Trong vai trò tác giả, đạo diễn và nhà thiết kế trang phục, Gaultier mời khán giả bước vào thế giới phong phú của mình, nơi tràn ngập sự xa hoa, thi vị và ma thuật. Ông chia sẻ những kỷ niệm từ thời thơ ấu cho đến những năm đầu của sự nghiệp, từ các buổi trình diễn thời trang lẫy lừng đến những đêm hoang dã tại Le Palace và London. Ông tri ân những người đã truyền cảm hứng cho ông trong điện ảnh (Pedro Almodovar, Luc Besson), âm nhạc (Madonna, Kylie Minogue, Mylène Farmer) và khiêu vũ (Régine Chopinot, Angelin Preljocaj).
“Fashion Freak Show” không chỉ sở hữu một danh sách nhạc bùng nổ với các bản hit từ disco, funk, pop, rock, new wave đến punk, mà còn là minh chứng cho sự sáng tạo không ngừng của Gaultier. Bên cạnh việc tổ chức đêm diễn tri ân hành trình cống hiến cho thời trang, ông tiếp tục theo đuổi tôn chỉ bình đẳng trong ngành công nghiệp này. Ông cam kết đưa vào các bộ sưu tập những người mẫu đa dạng, phá vỡ các rào cản và định kiến. Trong những năm 2010, ông đã mời những người mẫu như Beth Ditto và Conchita Wurst tham gia vào các bộ sưu tập của mình, chứng minh sự bao dung và đa dạng trong tầm nhìn thời trang của ông.
Bài Học Vàng Từ “Bậc Thầy” Của Thời Trang Pháp
Jean-Paul Gaultier không chỉ cách tân thời trang với những biểu tượng như sọc Breton kinh điển và phong cách androgynous đầy phá cách, mà còn tái định nghĩa cái đẹp qua lăng kính thời trang. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là một câu chuyện cảm hứng rực rỡ, minh chứng cho sức mạnh của lòng kiên trì và đam mê không ngừng. Gaultier cho thấy rằng sự kiên định và phát triển liên tục có thể tạo nên những kỳ tích vĩ đại trong thế giới thời trang.
>> Xem thêm: Kopiko: Định vị khác biệt, chinh phục thị trường kẹo cà phê
Theo Lam Phương
Nguồn: Brands Vietnam
Nguyễn Đình
Bảo
Với tư cách là CEO The7, tôi cam kết chia sẻ kiến thức thực tế và hữu ích cho mọi người đọc. Tất cả các bài viết tại Website The7.vn đều dựa trên kinh nghiệm 7 năm thực chiến của tôi trong lĩnh vực Marketing bao gồm: quảng cáo Facebook, quảng cáo LinkedIn, quảng cáo Google, chiến lược Marketing,... Mong rằng bạn đọc tiếp thu được nhiều thông tin từ những bài blog này và áp dụng thành công trong thực tế.
Bài viết liên quan