SKIN1004: Chuyên nghiệp xử lý khủng hoảng, lấy lại niềm tin người tiêu dùng
Vụ việc tố cáo SKIN1004 đạo nhái ý tưởng thiết kế của nhà thiết kế Đ.H tưởng chừng đã đẩy thương hiệu vào khủng hoảng nghiêm trọng. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 24 giờ, SKIN1004 đã có màn “lật ngược thế cờ” đầy bất ngờ nhờ cách xử lý khủng hoảng nhanh chóng và minh bạch. Dù chưa có kết luận cuối cùng về vụ việc, nhưng phản ứng tích cực từ dư luận đã cho thấy sự khéo léo của SKIN1004 trong việc lấy lại niềm tin người tiêu dùng.
Chi tiết vụ lùm xùm của thương hiệu SKIN1004: Bị cáo buộc đánh cắp ý tưởng của nhà thiết kế
Thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc SKIN1004, nổi tiếng với dòng sản phẩm Centella đình đám, được rất nhiều khách hàng Việt Nam ưa chuộng. Tuy nhiên, mới đây, SKIN1004 đã đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội từ cộng đồng mạng sau cáo buộc “ăn cắp chất xám” của một nhà thiết kế.
Cụ thể, vào ngày 18-19/5/2024, SKIN1004 tổ chức sự kiện offline lớn mang tên “3 Hệ Chống Nắng Toàn Năng” nhằm quảng bá ba sản phẩm chống nắng mới và khai trương flagship store tại TPHCM. Trước đó, thương hiệu đã tiến hành pitching với một số Agency để lựa chọn đối tác thiết kế và thi công cho sự kiện này.
Ngay sau ngày đầu tiên của sự kiện (18/5), tài khoản Đ.H đã đăng bài tố cáo SKIN1004 sử dụng ý tưởng thiết kế của mình mà không xin phép hay trả công. Đ.H cho biết bản thiết kế này từng bị SKIN1004 từ chối trong buổi pitching trước đó với lý do “không phù hợp với hình ảnh brand”. Tuy nhiên, khi sự kiện diễn ra, Đ.H đã vô cùng bất ngờ khi nhận thấy nhiều điểm tương đồng đáng kể giữa thiết kế của mình và thiết kế thực tế của sự kiện.
Những hình ảnh đối chứng được Đ.H đăng tải đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận, đặc biệt là cộng đồng thiết kế. Đa số ý kiến đều cho rằng SKIN1004 đã có hành vi ăn cắp chất xám, vi phạm nghiêm trọng quyền sở hữu trí tuệ của nhà thiết kế.
Scandal này đã khiến danh tiếng của thương hiệu SKIN1004 bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hàng loạt bình luận tiêu cực và kêu gọi tẩy chay đã tràn ngập trên các trang mạng xã hội của thương hiệu.
Cách SKIN1004 xử lý khủng hoảng truyền thông
Chưa đầy một ngày sau bài đăng của nhà thiết kế, SKIN1004 đã có phản hồi mạnh mẽ trên fanpage của mình. Với một bài đăng duy nhất, SKIN1004 đã lật ngược tình thế, khiến công chúng thay đổi quan điểm nhờ những lập luận chặt chẽ và bằng chứng rõ ràng. Theo giải thích từ SKIN1004:
- Tất cả các Agency tham gia pitching đều nhận được cùng một đề bài và tư liệu, dựa trên ý tưởng từ flagship store của SKIN1004 tại Hàn Quốc.
- Thương hiệu SKIN1004 cam kết không tiết lộ ý tưởng của Agency này cho Agency khác.
- Sau hai vòng pitching, SKIN1004 đã chọn được một Agency có proposal đáp ứng tốt nhất các tiêu chí của thương hiệu. Hợp đồng thiết kế và thi công sự kiện đã được ký kết.
- Các ý tưởng thiết kế đều được phát triển dựa trên concept chung của SKIN1004 Global, đã từng được sử dụng trong nhiều sự kiện trước đây của thương hiệu trên toàn thế giới.
- Ý tưởng của nhà thiết kế Đ.H. trùng khớp với thiết kế thực tế là do cả hai đều dựa trên cùng một brief và concept chủ đạo mà thương hiệu đã cung cấp từ trước.
Sau khi SKIN1004 đưa ra lời giải thích và bằng chứng, Đ.H tiếp tục đặt ra nhiều câu hỏi nghi vấn về tính minh bạch trong quy trình làm việc của thương hiệu, thậm chí còn đề cập đến vấn đề liên quan đến email.
SKIN1004 cũng không hề né tránh, trực tiếp trả lời từng câu hỏi của Đ.H ngay trong phần bình luận của bài viết trên fanpage. Cuộc tranh luận giữa hai bên diễn ra khá căng thẳng và kéo dài trong suốt 2 ngày qua, thu hút sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng.
Dù chưa rõ ai đúng ai sai, nhưng không thể phủ nhận rằng SKIN1004 đã có màn xử lý khủng hoảng truyền thông cực kỳ ấn tượng, khiến dư luận dần nghiêng về phía thương hiệu:
- Xoa dịu dư luận: Ngay khi nhận thấy những phản hồi tiêu cực, SKIN1004 đã nhanh chóng thể hiện thiện chí tiếp thu và hứa sẽ giải thích rõ ràng. Chưa đầy 24 giờ sau, bài đính chính được đăng tải với lời xin lỗi chân thành, giúp xoa dịu dư luận và ngăn chặn vụ việc lan rộng.
- Minh bạch thông tin: SKIN1004 đã tái hiện toàn bộ câu chuyện, từ bài đăng của Đ.H đến quá trình pitching với các Agency, giúp công chúng có cái nhìn tổng quan và rõ ràng về vụ việc.
- Luận cứ sắc bén, bằng chứng rõ ràng: Thương hiệu đã đưa ra những luận cứ đanh thép, kèm theo bằng chứng cụ thể (hình ảnh, văn bản) về quy trình làm việc, lịch trình pitching, hợp đồng,… để chứng minh sự trong sạch của mình.
- Bình tĩnh, chuyên nghiệp: Mặc dù phản hồi nhanh chóng, SKIN1004 vẫn giữ được sự bình tĩnh, chuyên nghiệp và nhất quán trong ngôn từ, thể hiện thái độ tôn trọng đối với cả khách hàng và nhà thiết kế.
- Trách nhiệm với công chúng: Dù không thừa nhận cáo buộc, SKIN1004 vẫn gửi lời xin lỗi đến khách hàng và đối tác vì những ảnh hưởng tiêu cực mà sự việc gây ra. Thương hiệu cũng khẳng định luôn trân trọng và ủng hộ sự sáng tạo.
Cách SKIN1004 “lội ngược dòng” ngoạn mục từ tâm điểm chỉ trích trở thành thương hiệu được khen ngợi đã chứng minh sức mạnh của một quy trình xử lý khủng hoảng bài bản. Không chỉ dập tắt “ngọn lửa” truyền thông, SKIN1004 còn khéo léo biến sự cố thành cơ hội để nâng tầm thương hiệu.
Sự minh bạch, phản ứng nhanh nhạy và lập luận sắc bén đã giúp SKIN1004 lấy lại niềm tin của công chúng. Thay vì chìm trong làn sóng tẩy chay, sự kiện “3 Hệ Chống Nắng Toàn Năng” và cái tên SKIN1004 lại càng được nhắc đến nhiều hơn, tạo hiệu ứng truyền thông miễn phí đầy giá trị.
Bài học từ SKIN1004 là minh chứng rõ ràng cho việc xử lý khủng hoảng không chỉ đơn thuần là khắc phục hậu quả, mà còn có thể biến thách thức thành cơ hội để phát triển. Đây là một ví dụ điển hình mà các thương hiệu cần học hỏi để ứng phó với những tình huống tương tự trong tương lai.
Idea và Pitching: Cuộc chiến “cân não” giữa Agency và Clients
Vụ việc SKIN1004 bị tố “đạo nhái” ý tưởng thiết kế đã phơi bày một thực trạng nhức nhối trong ngành truyền thông: việc “mượn” ý tưởng giữa Client và Agency. Đây không phải là câu chuyện mới, nhưng luôn là vấn đề nhạy cảm, gây tranh cãi và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các bên liên quan. Điều này thường xảy ra khi một số nhãn hàng từ chối ý tưởng, thiết kế mà Agency mang đi Pitching, nhưng sau đó lại sử dụng chúng mà không thông qua hợp đồng trực tiếp với Agency.
Phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng, đặc biệt là giới sáng tạo, cho thấy sự bức xúc trước tình trạng “ăn cắp chất xám” diễn ra khá phổ biến. Dù SKIN1004 đã xử lý khủng hoảng rất tốt, nhưng những thiệt hại về mặt hình ảnh và uy tín là không thể tránh khỏi.
Bài học rút ra cho các thương hiệu là cần phải minh bạch và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác. Việc thiết lập quy trình làm việc rõ ràng, có hợp đồng chặt chẽ với Agency là cách tốt nhất để bảo vệ cả hai bên.
Về phía Agency và Freelancer, cần chủ động bảo vệ ý tưởng của mình bằng cách ghi lại chi tiết các buổi trao đổi, pitching với client. Điều này sẽ giúp có bằng chứng cụ thể để bảo vệ quyền lợi trong trường hợp xảy ra tranh chấp.
Vụ việc SKIN1004 là lời cảnh tỉnh cho tất cả những ai đang hoạt động trong ngành sáng tạo. Chỉ có sự tôn trọng lẫn nhau và tuân thủ pháp luật về sở hữu trí tuệ mới giúp ngành phát triển bền vững và lành mạnh.
>>Xem thêm: Bài học từ BVLGARI trong “Queen of Tears”: Nghệ thuật Storytelling nâng tầm Product Placement
Theo Khánh Huyền
Nguồn: Marketing AI
Nguyễn Đình
Bảo
Với tư cách là CEO The7, tôi cam kết chia sẻ kiến thức thực tế và hữu ích cho mọi người đọc. Tất cả các bài viết tại Website The7.vn đều dựa trên kinh nghiệm 7 năm thực chiến của tôi trong lĩnh vực Marketing bao gồm: quảng cáo Facebook, quảng cáo LinkedIn, quảng cáo Google, chiến lược Marketing,... Mong rằng bạn đọc tiếp thu được nhiều thông tin từ những bài blog này và áp dụng thành công trong thực tế.
Bài viết liên quan